TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Trà Vinh
 
Lên mạng ngày 08/9/2009
 
Thử lạm bàn về một tỉnh còn đông dân nghèo khổ của đồng bằng Sông Cửu Long :
Những hướng phát triễn tỉnh Trà Vinh
G S Tôn thất Trình
                                        
…Cùng em sông Hậu, sông Tiền,
 Lia thia quen chậu, tình hiền quen khăn…
Vì em là lượng Cửu Long,
Bún khô vẫn gạo Nanh Chồn, Nàng Hương.
Vì em là ngọt sông đồng,
Vàng chua bưởi mễ, vẫn bông Biên Hòa.
 (Nguyễn Tất Nhiên )
     
 
                                         Vị trí
       Trà Vinh là một tỉnh của châu thổ sông Cửu Long ở vĩ tuyến Bắc 90 31‘ đến 100 04’ và kimh tuyến Đông 105057’ đến1060 36’ . Đông và Đông Nam giáp Biển Đông có bờ biển dài 65km. Nam và Tây Nam giáp tỉnh Sóc Trăng dọc theo 60km dòng sông Hậu. Tây và Tây Bắc  giáp tỉnh Vĩnh Long theo kinh rạch hay đất liền dài cũng gần 60km. Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Bến Tre lấy sông Cổ Chiên làm ranh giới, cũng dài 60km. Cổ Chiên là một nhánh của sông Tiền. Như vậy Trà Vinh là một tỉnh Biển Đông của Châu thổ Sông Cửu Long, giữa hai nhánh chánh là Sông Tiền ( Giang ) và Sông Hậu ( Giang ). Diện tích tự nhiên là 2369 km2 , trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 62 % .
        Dân số Trà Vinh năm 1995 là 934900 người , ít hơn tỉnh kế cận là Vĩnh Long năm đó , tuy diện tích lớn hơn ( diện tích Vĩnh Long 1479 km2 ) . Năm 2002 , dân số Trà Vinh tăng lên trên một triệu người : 1 002 300 và năm 2006 là 1 036 800 . Tộc dân Kinh ( Việt ) chiếm trên 65 % tổng số. Tộc dân Khmer chiếm 29 % và tộc dân Hoa chiếm 5- 6 % . Ngoài ra còn một số rất nhỏ tộc dân Chăm và tộc dân Tày .
              Nay tỉnh lỵ là thị trấn Trà Vinh và 7 huyện là: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần , Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải.
           
Một chút ít lịch sử
           
Trà Vinh có thể nguyên là đất vương quốc Phù Nam ( ? ) mà hải cảng chính khi chưa bị phù sa  bồi đắp mất là Ốc Eo ở chân núi Ba Thê. Khai quật Óc Eo trong năm 1940, nhà sử học Pháp Malleret đã làm sống lại Văn Hóa Ốc Eo, một nền văn hóa tỏa sáng khắp vùng Đông Nam Á. Trước đây , người ta chỉ mới biết đến các di tích ở vùng Ốc Eo - Ba Thê, thuộc vùng An Giang và vùng bìa rừng U Minh với di tích Trăm Phố, ngày nay  những cuộc dò tìm cho thấy Văn Hóa Ốc Eo, đã vượt qua sông Hậu sang tận Đồng Tháp, Long An , tới thượng du sông Đồng Nai. Nằm duới đống hoang tàn các đền đài nguy nga bị đổ nát là nhiều ngôi mộ hình kim tự tháp, bên cạnh mình những người quá cố là hàng vạn đồ trang sức, hoa tai , nhẫn ấn triện bằng đá quý , bằng vàng bạc khắc chạm tinh vi, mang đậm nét phong cách Tây Phương Thiên Trúc ( Ấn Độ ) .  
Theo Phan Khoang ( Việt Sử Đàng Trong, Quyễn Hạ, Sài Gòn năm 1967, tái xuất bản  năm 1976 , Houston - Texas ), đầu Tây lịch kỷ nguyên,  Phù Nam là một nước trong những quốc gia có tổ chức vững mạnh ở Đông Nam Á , kinh  đô ở Vyadhapura , gần thành phố Ba Nam ( Cầu Nam ) , phía Tây Bắc Kampot ( Cần Bột ), Tây Bắc Châu Đốc ngày nay : thâm nhiễm văn hóa Ấn Độ, theo tôn giáo , dùng chữ viết , pháp luật Ấn Độ, quan niệm vương quyền theo Ấn Độ giáo. Lảnh thổ nước Phù Nam gồm Cao Mên - Cam Bốt và phần lớn Nam Bộ ngày nay, có lẽ cả bán đảo Malacca nữa. Phù Nam có một đời sống kinh tế hoạt động , canh nông phồn thịnh như dẫn thủy theo kỷ thuật « ao hồ- tank » Ấn Độ, buôn bán nhiều với ngoại quốc , thuyền buôn Ấn Độ , Trung Quốc, Mã Lai, La Mã. Thế kỹ thứ III sau công nguyên, Phù Nam đã giao thiệp với  Trung Quốc gửi sứ giả sang cống, chứ không phải bị Trung Quốc cai trị,  như sử gia Trung Quốc tán rộng, lấy cớ muốn chiếm đoạt toàn vẹn Trường Sa ( của Việt Nam, Phi Luật Tân, Indonexia và Mã Lai Á).
          Năm 484, vua Phù Nam là Jayavarman đương đánh Lâm Ấp ( Chăm , Chiêm Thành )  gửi phẩm vật sang Trung Quốc cầu viện . Thế kỷ thứ VI, một tiểu vương , chư hầu Phù Nam tại miền Sambor, tên là Kambuja, ta và Tàu gọi là Chân Lạp, suôi dòng sông Củu Long, chiếm kinh đô Vyadahapura , lên ngôi vua lấy hiệu là Bhava- Varman ( 550-- 600) . Thế kỷ thứ VII, chia làm 2 : Lục Chân Lạp đất của miền Trung Lào và Hạ Lào ngày nay( có thể luôn cả miền Nam Thái Lan nữa ? ), và Thủy Chân Lạp là miền sông ngòi lưu vực châu thổ sông Cửu Long cho đến biển. Thủy Chân Lạp có lúc có đến hai triều vua. Cuối thế kỷ thứ VIII , Chân Lạp thua trận, phải thần thuộc Java ( Inđô nexia ). Thời vua Jaya Varman VII ( 1181- 1201 ) là thời kỳ lảnh thổ Chân Lạp mở mang rộng nhất trong lịch sử : ngoài đất Chân Lạp còn có một phần đất Chiêm Thành, các tỉnh phía Đông Tiêm La ( Thái Lan ), một phần đất Miến Điện, bán đảo Mã Lai.
        Năm 1698, chúa Minh Nguyễn Phước Chu sai Thống suất Nguyễn hửu Kính ( hay Cảnh ) đặt phủ Gia Định để thống thuộc hai dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa , Đồng Nai ngày nay ) và dinh Phiên Trấn ( tức là Gia Định ngày nay ). Nhưng đất Mỹ Tho ( nay là tỉnh Tiền Giang ) vẫn chưa trực tiếp thuộc quyền phủ Gia Định; mà do các tướng Long Môn Dương Ngạn Địch, hai mươi năm trước, năm 1679, đã vâng lệnh chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, tiến vào của Lôi Lạp theo Cửa Đại và Cửa Tiểu , đến định cư ở Mỹ Tho, kiểm soát một cách lỏng lẻo. .
            Năm 1731 , một người Ai Lao ( Lào ) di cư ở Chân Lạp tên là Sà Tốt, nói mình có tiền định đuổi người Việt ( Kinh ) trên đât Chân Lạp , khởi binh giết người Việt ở Cầu Nam ( Ba Nam ) , rồi xuống cướp Gia Định. Chúa Ninh Nguyễn Phước Trú lấy cớ tái lập an ninh, sai Thống Suất Trương Phước Vĩnh điều khiễn binh các đạo đi đánh. Sau cuộc dụng binh đánh Sà Tốt thành công, chúa Ninh buộc NăcTha -Satha I (1722-1736 ) , một trong 4 vua Cao Miên thời đó, chánh thức nhường hai tỉnh Mesa  và Long Hôr ( tức đất Mỹ Tho và Vĩnh Long), tuy người Việt đã chiếm rồi, nhưng trên pháp lý vẫn còn thuộc Chân Lạp . Trên đất Long Hôr, chúa đặt châu Định Viễn và lập dinh ( quân khu ) Long Hồ. Còn Mỹ Tho vẫn để tình trạng cũ. Đến năm 1772, mới đặt chính quyền chánh thức . Dinh Long Hồ ( hay Vĩnh Long), thật ra cai quản luôn cả các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, và một phần đất Cần Thơ.
           Theo sách Histoire du Cambodge của Dauphin Meunier, sau khi Chey Chetta ( Nặc Nguyên ) mất năm 1755, Ang Ton ( Nặc Nhuận) trở lại ngôi vua.  Các quan Gia Định cũng xin lập Ang tôn lên làm vua . Chúa Vỏ Nguyễn Phước Khoát buộc Ang Tong phải hiến hai phủ mới lập là Trà Vinh và Ba Thắc ( Bassac ). Lần trị vì này ( 1755- 1757 ) còn tai hại hơn lần trước . Cháu nội Ang Tong, hoàng thân Préah Outey ( Nặc Tôn ? ) bắt giết Ang Hinh . con rễ của Nặc Nhuận và em là Ang Duong đã đi tu, giết luôn bà quả phụ và người con đầu của Ang Hinh . Hai cháu nội của Thommo Reachea II ( Nặc Thâm ) cũng bị bắt bỏ vào cũi , nguời nhỏ tuổi bị giết, người kia là Ang Non ( Nặc Nộn ), được một viên quan cứu thoát , trốn sang Tiêm La.  Người Việt kích thích các tỉnh Treang, Benteay Meas , Bati, PreyKrabas nổi dậy. Vua Ang Tong bị bức bách phải nhường thêm đất Phaar Sa Đek ( Sa Đéc ngày nay) , 2 quận của tỉnh Long Hôr  và tỈnh Meat Chrouk ( Châu Đốc ngày nay ).. Outey II ( Năc Tôn ) lên ngôi 1758- 1775,  thần phục chúa Nguyễn ; sau đó để tạ ơn, cắt nhường hai tỉnh Srok - Trang ( Sóc Trăng ) và Préah Trapeang ( Trà Vinh ) cho xứ Đàng Trong
Năm 1776, thừa dịp Nguyễn Tây Sơn nổi dậy, theo tài liệu của Liên Hiệp Khmer Kampuchia Krom - Người Việt Gốc Miên ( Hoa Kỳ, 2009 ), vua Ang Nuon đánh chiếm Long Hồ ( Vĩnh Long ) và Mỹ Tho ( Mesa )  ( ? ) . Tháng 6 năm 1864, một năm sau khi chấp nhận hiệp ước biến Cam Bốt thành  một xứ Pháp  Bảo Hộ  - French Protectorate, nhân dịp viếng thăm Sài Gòn, vua cha Norodom cũng thúc dục chánh quyền Pháp trả các tỉnh đất thuộc địa Nam Kỳ cho Cam Bốt. Tháng giêng năm 1948, khi Pháp bắt đầu chấp nhận yêu cầu của vua Bảo Đại thống nhất ba Kỳ: Bắc , Trung,  Nam, vua Norodom Sihanouk, không đồng ý việc giao Nam Kỳ lại cho Việt Nam và đã gợi ý thiết lập một Ủy Ban Chung Miên Việt để định lại biên giới Việt Miên . Nhưng Pháp Bảo hộ Cam Bốt, theo hiệp ước thay Cam Bốt làm chủ ngoại giao, đã không lý gì đến đòi hỏi « quá lố, ngược dòng lịch sử» của vua Sihanouk và đã ký kết với vua Bảo Đại Thỏa Hiệp Vịnh Hạ Long năm 1948, công nhập sáp nhập ba kỳ vào nước Việt Nam thống nhất
        Một sư kiện lịch sử đáng kể là Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ ( sau này là vua Quang Trung, đóng đô ở Phú Xuân - Huế), em vua Thái Đức Nhà Nguyễn Tây Sơn là Nguyễn Nhạc ( đóng đô ở Qui Nhơn - Bình Định ),  ngày 19-1-1785,  « tương kế tựu kế» giả vờ giảng hòa vói tướng giặc Xiêm là Chiêu Tăng,  đã đánh tan tành 5 vạn quân xâm lược Tiêm La ( Xiêm , Thái Lan )  ở Rạch Gầm- Xoài Mút ,dọc kênh Măng Thít , ranh giới hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Dưới danh nghĩa là giúp chúa Nguyễn Phước Ánh ( vua Gia Long sau này ) phục quốc , nhưng thật ra Tiêm La nhằm chiếm đóng nước Chân Lạp và thôn tinh miền đất cực Nam nước ta. Quân Tiêm hành động bạo ngược tàn sát dân lành dã man, ngay chúa Nguyễn cũng than phiền oán trách.
       Nam Kỳ Lục Tỉnh ( 1833 ?) thời vua Minh Mạng, đổi 5 trấn  thời vua Gia Long thành Nam Kỳ Lục Tỉnh, gồm Biên Hòa, Gia Định , Định Tường ,Vĩnh Long, An Giang ( Châu Đốc) và Hà Tiên . Trà Vinh là huyện , phủ, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ngày 17-2 năm 1859 , Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Ngày 5-6- 1862, Triều đình Huế ký Hiệp ước cắt 3 tỉnh là Gia Định , Định Tường , Biên Hòa cho Pháp.  Ngày 20 -6 1867, Pháp đơn phương ra tuyên bố 6 tỉnh Nam Kỳ là lảnh địa của Pháp. Năm 1868, Thủ Khoa Huân , Phan Công Tòng … khởi nghĩa chống Pháp . Năm 1872, 18 Thôn Vườn Trầu , một  miệt vườn quê Bà Điểm - Hóc Môn ( địa bàn Bến Nghé xưa với thành lũy Gia Định, với đại đồn Chí Hòa ) và 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ cũng khởi nghĩa chống Pháp. Ở Nam Kỳ, ngày 15 tháng tư năm 1875, Pháp xử tử  Thủ Khoa Nguyễn Hửu Huân tại Mỹ Tho, cùng Âu Dương Lân và hơn 100 nghìa quân, đánh dấu đoạn kết của những cuộc kháng chiến chống Pháp dưới   danh nghĩa nhà Nguyễn ( theo Đại Nam Thực Lực Chánh Biên, IV, 33 :203 ).Ngày 5-1- 1876, Pháp chia 6 tỉnh miền Nam ra làm 4 Hạt -circonscription : Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bassac (Hậu Giang). Mỗi Hạt lại chia ra làm nhiều Tiểu Hạt - arrondissement . Sài Gòn có 5 tiểu hạt, Mỹ Tho có 4 tiểu hạt, Vĩnh Long có 4 tiểu hạt là Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sa Đéc, Bassac có 6 tiểu hạt. Ngày 18/12/1882 lập thêm tiểu hạt Bạc Liêu gồm 2 tổng của Sóc Trăng và 3 tổng của Rạch Giá. Sau đó thiết lập chánh thức 21 tỉnh Nam Kỳ, trong đó có tỉnh Trà Vinh.
        . Năm 1951 cho đến năm 1954, thời Nam Bộ Kháng Chiến , Trà Vinh là tỉnh Vinh Trà, nhưng chưa bao giờ được chánh thức hóa cả . Thời Cọng Hòa miền Nam, Trà Vinh đổi tên là Vĩnh Bình. Nhưng năm 1976,  nhập với tỉnh Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long. Đến năm 1991, Cửu Long lại tách ra làm 2,  thành tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh hiện nay .
          
 Địa hinh, đất đai
…. Sông nước Tiền Giang mênh mang như nỗi sầu lữ thứ ,
Tay nặng hành trang đi về ngang bến cũ
Nghe rưng rưng dòng lệ nhớ quên nhà .
Lá úa chiều thu theo gió lạnh bay về.
Một chuyến sang ngang qua đò Mỹ Thuận,
Nắng xế ban chiều soi bóng mặt trường giang….    
 (Vọng Cỗ, Nghệ sĩ Cô Hương Lan )       
 
            Trà Vinh là một phần đất tam giác Châu Thổ sông Cửu Long , phần cuối đến Biển Đông giữa sông Tiền và sông Hậu.  Theo Thái Công Tụng ( Việt Nam : môi trường và con người , Vietnamologica #6 , năm 2005, Canada ), lịch sử hình thành châu thổ này cho biết , vào thời điểm băng giá cuối của Đệ Tứ Kỷ ( thời Wurm ) nhiều vùng Bắc Mỹ , Bắc Âu Châu , Bắc Trung Hoa bị băng hà nên thể thích nước bị co rút lại.  Biển rút hạ xuống 120m, làm nhiều đảo như Sumatra, Java, đảo Hải Nam dính liền với châu thổ sông Cửu Long , tạo ra một thềm đất liên tục , danh từ địa lý là thềm Sunda ( Sunda platform, plate-forme de la Sonde ). Dọc Biển Đông, nhiều giải Đất Giồng biển xưa, chứng tích của nhiều giải đất của từng giai đoạn rút lui của biển, khỏi đồng bằng ngày nay . Sau thời kỳ băng giá lần cuối, thời kỳ tan băng hiện nay khởi đầu: nhiệt độ tăng dần ở Bắc Bán Cầu làm  nước các khối băng tan rả , làm biển tiến, dâng mực nước biển  lên ở mức hiện nay. Thềm Sunda dần dần bị ngập nước biển. Như vậy theo địa chất , phía dưới sâu châu thổ sông Củu Long là móng đá gốc - socle originel , thời đại Trung Sinh - Mésozoique,  nhờ phù sa đắp dần dần biển cạn lồi lên khỏi biển cạn chừng 6000 năm nay , vào thời kỳ Holocen muộn ( Holocen khởi đầu 10 000 năm trước công nguyên ). Như vậy có thể xem Trà Vinh như thể phát sinh từ sông Cửu Long và Biển Đông. Chính hai cửa sông Hậu và sông Cỗ Chiên đã chuyên chở phù sa nâng cao khỏi mực nước biển đất đai Trà Vinh , lan rộng ra biển Đông .    
    Đất đai Trà Vinh là một châu thổ bờ biển, không có núi đồi, trung bình cao hơn mặt nước biển khoảng từ 2m đến 3m. Nhưng khi nhìn vào chi tiết, đất đai Trà Vinh như gợn sóng biển - sea waves do ảnh hưởng thủy triều gây ra trên phù sa. Dân gian gọi tên những đất gợn sóng này là đất « Giồng «  , thường là đất cát pha sét - clay sand và ở một vài nơi là phù sa pha mùn- humus alluvium . Các giồng phần lớn thiết lập theo hướng Đông Bắc - Tây Nam , kích thước khác nhau nhiều , bề rộng thường từ   100m đến 200m , , bề dài từ 400m đến 2000m , bề cao từ 2 đến 5m trên mực nước biển. Càng xa biển , các giồng càng thấp dần , do sự bào mòn tạo nên , nhưng ít thấy « giồng chìm «  như ở Gò Công, bị lớp phù sa phủ trên mặt . Càng gần biển đất giồng càng dày và niên đại trẻ hơn. . Đất giồng thường cao ráo, dễ thoát nước. Một đặc điểm khác là đất cát giồng thường có màu vàng , thay vì máu trắng ở miền Trung.
            Các nhà thổ nhưỡng học cũng phân biệt thêm ở Trà Vinh loại đất mặnđất phù sa . Đất mặn gặp nhiều ở các huyện Cầu Ngang , Trà Cú, Duyên Hải, được rừng ngập mặn , đước, mắm , sú vẹt , chà là …bao phủ và  ngập nước triều quanh năm. Đất phù sa địa hình cao ở dọc hài bên bờ sông Tiền và sông Hậu. Hình thành trên trầm tích sông, độ phì nhiêu cao, rất tốt cho sản xuất nông nghiệp. Đất phù sa địa hình thấp nhiều nơi còn chịu ảnh hưởng nước thủy triều  và lũ từ nguồn đổ về ;  nhờ đó ruộng có nước tự chảy quanh năm, lợi ích lớn cho nông nghiệp.
            Khí hậu , thủy văn   
      Trà Vinh có khí hậu nhiệt đới , gió mùa , gần xích đạo. Nóng và ẩm ướt quanh năm, tuy chia ra 2 mùa rỏ rệt : mùa mưa từ tháng 5 đến tháng11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 . năm sau . Lượng mưa trung bình từ 1400 mm đến 1600 mm. Vì ở những vĩ tuyến thấp hơn nên Trà Vinh nhận nhiều nhật chiếu; mỗi năm trên 2500 giờ có nắng . Nhiệt độ trung bình hàng năm là 250 C - 270 C, và ẩm độ khí trời hàng năm là 80% - 85% . Từ tháng 1 đến tháng 2 gió thổi theo hướng Đông Nam, sức gió 3- 4, và từ tháng 3 đến tháng 4 , mới thật sự thao hứớng này Từ tháng 5 đến tháng 6  chuyễn qua gió mùa Tây Nam là gió mùa mưa giông bảo. Từ tháng 5 đến tháng 12 , gió mùa chuyễn dần dần   qua hướng Đông Nam làm mùa mưa và sau đó qua hướng Đông Bắc . Trà Vinh ở bờ biển Biển Đông , nhưng ít khi có giông bảo .
       Nguồn nước là sông Cửu Long, nước mưa và nước triều Biển Đông. Nhắc lại Trà Vinh nằm giữa hai con sông chính là sông Hậu và sông Cỗ Chiên, một trong 4 nhánh của sông Tiền. Các nhánh khác là sông Mỹ Tho, sông Ba Lai và sông Hám Luông . Tuy sông Mê Kông dài 4200 km, phát nguyên từ Tây Tạng - Trung Quốc có tên là Lancang Jiang , nhưng chiều dài trong lảnh thổ Việt Nam chỉ có 230 km ( sông chảy trong lảnh thổ Việt Nam dài nhất là sông Đồng Nai 635 km ) tuy lưu vực trong xứ lớn nhất 71000 km2 ,   gần gấp đôi lưu vực trong xứ của sông Đồng Nai 37 394 km2 , trên cả lưu vực trong xứ của sông Hồng, chỉ có 61 300km2 . Lưu vực trong Việt Nam của sông Mê Kông chưa bằng 1/10 lưu vực toàn bộ sông Mê Kông 795 000 km2 , trong khi lưu vực phần Langcang Jiang, thượng nguồn sông Mê Kong ở Trung Quốc chiếm 20 % toàn bộ.        
         Sông Tiền chảy ra Biển Đông, Thái Bình Dương, bằng 6 cửa biển ( giang khẩu ) : Tiểu,  Đại , Ba Lai , Hàm Luông, Cỗ Chiên và Cung Hầu. Hai cửa Cỗ Chiên và Cung Hầu là 2 cửa sông Cổ Chiên chảy ra Biển Đông .  Cồn nổi, một tiểu đảo trên sông Cỗ Chiên trước hai cửa Cung Hầu và Cỗ Chiên là xã Long Hòa , thuộc tỉnh Trà Vinh.   Sông Hậu có 3 giang khẩu: Định An thuộc tỉnh Trà Vinh , Ba Thắc- Bassac  và Tranh ( Trần ) Đề, thuộc tỉnh Sóc Trăng .
           Trà Vinh cũng như các tỉnh khác thưộc châu thổ sông Cửu Long, đầy rẫy sông, kênh ( kinh ), rạch ( sông nhỏ ở đồng bằng Sông Cửu Long goi chung là rạch, đặc biệt ở tỉnh Bến Tre những con sông nào chảy vào các nhánh chánh của sông Tiền đều mang tên là rạch, như rạch Bến Tre , rạch Giòng Trôm … ). Hệ thống sông, kinh, rạch Trà Vinh chắng chịt nhau, nhưng sắp đặt đều đặn như thể các mạch máu trong thân thể  tỉnh nh , cứ trung bình 100m2 đất tự nhiên lại có 10m2  diện tích mặt nước.  Có thể chia mạng lưới sông, kinh rạch này ra làm 3 :   tiểu hệ thống chảy ra biển Đông nằm ở vùng huyện Duyên Hải ; tiểu hệ thống chảy vào sông Cỗ Chiên thuộc tỉnh lỵ Trà Vinh, các huyện Càng Long , Châu Thành , cầu Ngang ; tiểu hệ thống chảy vào sông Hậu là vùng các huyện Cầu Kè , Tiểu Cần và Trà Cú. Dòng nước các sông Trà Vinh trung bình chỉ sâu từ 5.5 m đến 24 m . Các bải biển tương đối ít cát vì toàn là đất phù sa0, cho nên phần lớn bờ biển đầy bùn.   Ngoại trừ bải Ba Dòng ở huyện Duyên Hải ở Trường Long Hòa , cách tỉnh lỵ Trà Vinh 55 km, mới có 10 km bờ biển cát trắng . Thời Pháp thuộc, Pháp thiết lập ở đây một nơi nghĩ dưỡng và tắm biển , cho cư dân kinh địa phương nghĩ mát và nghĩ cuối tuần . Tuy nhiên chiến tranh và thời gian đã phá tan bải biển Ba Dòng này và cả con đường đi tới bải . Chánh quyền Trà Vinh đang duyệt xét tái lập, tân trang con đường ra bải biển cát trắng này .
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 791978 visitors (2092646 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free