TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tết và Mẹ
 
Xuân Tân Mão

TẾT VÀ MẸ
 
 
Má tôi đã vĩnh viễn ra đi cách đây bảy cái Tết. Hàng nămcứ mỗi lần chuẩn bị nấu thức ăn cúng 30 Tết rước ông bà, lòng tôi bỗng bồi hồi nhớ Má vô cùng. Có lúc đang làm việc trong sở, đầu óc nghĩ đến việc chuẩn bị Tết nhứt tự nhiên nước mắt tôi tuôn trào làm mấy đứa bạn đồng nghiệp ngạc nhiên âu yếm hỏi “you all right?”. Lúc đó tôi thực lòng thú nhân “I miss my Mum”. Thật vậy, vào những ngày cận Tết tôi có rất nhiều kỹ niệm với Má.
          Người con gái nào cũng được sự dạy dỗ và giáo dục trực tiếp của người mẹ hơn người cha. Phần đông người cha giáo dục con việc lớn như học hành, nghề  nghiệp và xử thế ở đời. Người mẹ hàng ngày dạy con những việc nhỏ nhặt nhưng vô cùng quan trọng cho cuộc đời sau này.
          Ngay từ  khi biết chập chững đi, Má đã dạy tôi cách ăn, cách nói, cách đi đứng, cách đối xữ lễ phép, v.v. Từ  6-7 tuổi, Má tự tay nhỗ răng sửa, rồi theo dõi hàng ngày để tránh răng mọc không hàng lối, rồi Má dạy cách đánh răng và giữ gìn răng cho trắng. Má dạy cách ăn nói, cách giao tế. Nào là “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Nào là con gái phải giữ ý tứ khi đi, khi đứng, nói cười phải suy nghĩ cẫn thận. Má thường nhắc nhở “Chưa nói mà cười, chưa đi mà chạy là người vô duyên”.
Khi tới 12-13 tuổi, Má theo dõi và dạy tôi biết cách chưng diện ăn mặc thanh lịch, dạy cách nhỗ lông mày sao cho đẹp, cách giũa móng tay, móng chân sao cho sang trọng, tóc phải chải như thế nào. Lớn hơn tí nữa Má dạy cách đánh phấn, thoa son, kẽ lông mày, lông mi thật trang nhã mà không ai nhận thấy.
Ở Việt Nam những gia đình nghèo và trung bình thường ăn uống đạm bạc trong những ngày bình thường. Để có những buổi ăn ngon, tuy đạm bạc, Má cũng chỉ dạy những bí quyết nhỏ để thức ăn ngon, phải kho cá thịt như thế nào, phải để lửa ra sao trong mỗi giai đoạn, phải luộc rau sao cho lá vẫn còn xanh, v.v.
Chỉ có những ngày giỗ, nhất là dịp Tết, mới có những món ăn sang trọng nấu nướng cầu kỳ: nào làm mứt, bánh, thức ăn mặn, chả, nem, khìa, v.v. Cứ mỗi món, Má dạy chị em tôi những bí quyết riêng. Chẳng hạn, Má dạy bí quyết kho thịt làm sao cho da trong mà thịt thì đỏ như chuổi hỗ. Có một điều khó cho chị em chúng tôi là công thức nấu nướng của Má dựa trên “nhắm chừng”, đo lường bằng muỗng cà phê, chén, hay núm tay, cho nên dễ làm trật, chứ nếu Má dạy theo đúng tỉ lệ đo lường (lít, gram, v.v.) thì thành công bảo đảm 100%.
Tôi nhớ Má dặn dò con gái phải cố gắng học nấu nướng cho giỏi và khéo để giữ hạnh phúc gia đình “Đàn ông thích ăn ngon, đàn bà thích mặc đẹp”. Đó là câu nhật tụng gieo vào đầu óc chị em tôi thường xuyên. Má thường nhắc nhở “là con gái, sau này làm vợ, làm mẹ, chính là người nắm phần hạnh phúc gia đình. Nhất là trong hai bửa ăn hàng ngày, phải lo cho chồng con đàng hoàng dù ở hoàn cảnh nào. Nếu sau này tốt số được giàu sang, có người giúp việc thì mình chỉ cần liếc qua biết họ làm đúng hay sai”. Ở tuổi 12-13, mà nghe Má nói hoài câu nhật tụng này, tôi và đứa em gái kế thường hay khúc khích cười nói lén với nhau “Có chồng mà phải lo nhiều cái kiểu này, thà không chồng cho sướng thân hơn”. Còn mấy đứa em trai nữa, khi chúng tôi làm bánh, thì chúng ngồi bên cạnh trù cho bánh hư để chúng được ăn sớm.
Đến tuổi 16-17, thì chị em tôi còn gay go hơn nữa, vì trong dịp Giỗ hay Tết là lúc nào cũng có thật nhiều khách đến, vừa họ hàng, vừa bạn bè của Ba Má. Ngoài ăn uống họ còn chấm điểm gắm ghé sui gia. Vì vậy mà Má tôi càng dạy chúng tôi thâm sâu các môn nử công gia chánh hơn nữa. Không những chỉ Má tôi dạy, Má còn gởi chúng tôi đến nhà ngoại để Bà Ngoại chỉ dẫn thêm những bí quyết của gia đình. Ông Bà Ngoại tôi thuộc hạng đại địa chủ của vùng Cái Tắc, Rạch Gòi, Sua Đủa. Bà Ngoại lại gốc con đại điền chủ ở Nha Mân, vùng nỗi tiếng nử công gia chánh ở miền Lục Tỉnh.
Khoảng một tháng trước Têt, Má đã chuẩn bị mọi thứ, nhất là chuẩn bị làm mứt bí. Hai mẹ con đi chợ, Má chỉ tôi cách chọn bí nào già nhất, to nhất. Chiều đi học về là bắt đầu làm mứt. Má xử dụng toàn trái bí, không bỏ một bộ phận nào. Bởi vì ngay cả phần vỏ, Má dùng làm trang trí, cắt ráp thành hình con công, hay con lân bằng mứt. Vừa ngồi học bài kiểm, vừa xâm mức, xã nước, vừa đập muổi. Còn các em trai tôi chuẩn bị trồng đậu, cà trong các chậu trước Tết 2 tháng, để đến khoảng 23 tháng Chạp đưa Ông Táo,  đậu và cà vừa có trái gần chín. Thế là chúng tôi lặt bỏ trái thật, thay thế vào bằng trái giả bằng mứt có đủ hình dạng từ nhỏ tới lớn và màu sắc thay đổi từ non đến chín. Trông cây có trái y như thật, mời ăn nhưng khách không dám hái.
Ngoài ra, Má còn bắt chị em tôi làm mâm trái cây với nhân đậu xanh bọc agar nhuộm màu. Chúng tôi nắn đậu xanh thành hình dáng trái mận, đào, xoài, cam, ớt, nho, trái vải v.v. Rồi pha màu thích hợp, Má dạy cách nhúng thế nào để trái mận có từ màu tươi đến sậm trên cùng một trái, y như trái thật. Cái khổ tâm nhất của tôi là dùng vải mùng bọc nặn bột ca cao để trái vải có gai thật đúng Má mới chịu, bởi vì gai rất dễ gảy.
Còn làm bánh thì tôi sợ nhất là bánh thửng (hay thuẩn), hễ tai bánh không oằn là rớt đài, mấy đứa em trai chực sẳn. Còn nướng bánh kẹp thì Má bao giờ cũng dùng võ dừa để đốt nướng bánh, vì võ dừa cháy cho một nhiệt độ thích hợp. Ngày xưa làm gì có Oven (lò nướng) điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn.
Rồi tới màng làm đủ thứ dưa cũng mệt ngất người, dưa kiệu, dưa tỏi, dưa gừng, v.v. nhưng tôi ngán nhất là làm dưa đu đủ. Tôi phải đích thân vào nhà vườn để chọn, trái không được non, không được già quá. Có nhiều lúc Má bắt phải đi mua lại, bởi vì đu đủ rất dễ lên men và bị thối. Mà dưa ngày Tết hư là không được. Chị em tôi phải thức đêm để cắt thành bông ngọc nữ, gắn thành chùm, rồi ngâm dấm để trang trí.
Để sửa soạn những tiệc tùng, ngày giỗ lớn hay Tết, về phần món ăn, Má đều ra thực đơn (menu) trước vài ngày để chúng tôi chuẩn bị. Ngoài các món nấu thông thường, còn có món “cá chép hóa long”. hay món “gà rút xương ấp trứng vàng”, đều là những món rất công phu tỉ mỉ. Chẳng hạn, món “cá chép hóa long” phải chọn con mực khô thật lớn, dùng dao thật bén khứa đều lên da với một góc để khi ngâm nước hóa thành vảy, rồi phải nhồi thịt xay, hấp thế nào vẫn giữ được hình dáng con rồng mà thịt nhồi không bị xì. Trần thân nhất là lóc con gà chỉ còn da, còn đầu, còn cánh, còn giò, rồi nhồi thịt xay cho món gà rút xương. Trong ruột phải có trứng để đúng vị trí, sau này khi cắt ra, trứng phải ở đúng trung tâm. Khi hấp phải cho con gà nằm ở vị trí thế nào như cánh xòe, cổ ngẫng cao sẳn sàng trình bày trong dĩa cúng. Tất cả đều có bí quyết riêng mà Má theo dỏi chỉ dẫn chúng tôi từng lúc.
Còn làm bánh tét, cũng khó khăn lắm. Má chỉ dẫn cách làm, cách nấu thế nào khi cắt bánh có 3 vòng màu tím (lá cẩm) hoặc đỏ (trái gất), xanh (lá dứa) và trắng (của nếp) cách đều nhau, trong cùng là màu vàng của nhân đậu xanh.


Nhờ sự chỉ dạy của Má, mà hồi học đệ lục trường nữ Đoàn Thị Điểm tôi đã trúng giải thưởng với dĩa ngũ quả giả làm bằng đậu xanh, agar và bột cacao trong dịp lễ Hai Bà Trưng.
Nhắc đến kỹ niệm với Má trong dịp gần Tết thì nhiều lắm. Đây là những bài học chúng tôi mang theo suốt đời. Bây giờ, ở tuổi có cháu nội ngoại, những gì Má chỉ dạy vẫn còn ghi khắc trong lòng.
Hàng năm, vào ngày giỗ Ba Má và ngày Tết, tôi thường nấu ít món Má dạy cách đây trên nửa thế kỹ, để truyền lại cho con gái, và mong rằng Má vui lòng để mắng yêu: “Con nhỏ này cũng dễ dạy”.
 
Reading, những ngày cận Tết Tân Mão 2011.
Nguyễn Thị Kim Thu

Trở lại Xuân Tân Mão
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860149 visitors (2230591 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free