TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Câu chuyện cuối năm
 
Xuân Tân Mão

 
Hai đứa con của Liêm, Luân cùng Yến ngồi yên thích thú trên bộ Sofa để được nghe những câu chuyện xa xưa, lúc tuổi còn làm học trò của Liêm cùng với các bạn học cũ. Đã hơn ba mươi sáu năm trôi qua, những sinh hoạt của ba mươi chín mái đầu xanh  trong lớp CT ngày trước, nay lại được bộ ba người bạn học chung ngày đó, giờ thì ai cũng râu cùng tóc đều đã bạc hoa râm, nhâm nhi tách cà phê ngồi kể lại. Bên ngoài những hạt mưa vẫn lất phất rơi, còn những cơn gió lạnh của mùa đông thì lại len lén lẩn vào nhà. Lâm mang cả đôi chân của mình lên ngồi xếp bằng trên bộ ghế một cách thoải mái, và Sơn thì lim dim đôi mắt như đang đi tìm lại vài hình ảnh xa xưa trong ký ức…
Sơn lên tiếng hỏi: “Có ai biết tin tức của Hữu Nghị không?”
Liêm nói:“Tôi có gặp Hữu Nghị vào khoảng năm… tám mươi mốt tám hai gì đó…ở Tân Bình. Tới bây giờ thì không ai biết hắn đang ở đâu!”
Trưởng lớp Hữu Nghị, người trắng trẽo, cao ráo, tính tình hoạt bát nên ai trong trường cũng thương mến. Hữu Nghị là xướng ngôn viên trong những sinh hoạt văn nghệ của trường; thường vớí lời phát biểu nồng nàn đầy tình cảm, anh đã gìới thiệu những thi nhân, ca sĩ không chuyên nghiệp của trường cùng bài hát, điệu hò của họ đến khán giả trong sân khấu. Thế nhưng trong những trận giao đấu cùng với những đội banh khác, Hữu Nghị cũng phải biến mình thành một cầu thủ “đốn” chânđịch thủ khá lợi hại và nổi tiếng trong hàng phòng vệ của đội. Lâm hình dung hình ảnh người bạn, Hữu Nghị củalớp CT ngày đó có thể tạm nhớ lại là như thế. Ba người bạn ngồi trầm ngâm suy tư như đang tự hỏi với lòng, không biết bây giờ Hữu Nghị đang lưu lạc ở một phương trời nào? Nhưng cũng mong sao người bạn này của họ vẫn khoẻ mạnh và bình an nơi chốn đó..
Trí nhớ của Liêm thì thật tuyệt vời mỗi khi nhắc đến những chuyện phá phách của các bạn trong lớp. Liêm kể lại chuyện của thầy Thuận dạy toán, người thường chạy chiếc xe Vespa, tàn tàn đến trường để lên lớp. Buổi sáng hôm ấy, đã trễ hơn mười lăm phút sau mà thầy vẫn chưa xuất hiện, thế là cả bọn quyết định “xuống đường” kéo nhau ra khỏi lớp. Vừa rời khỏi phòng chẳng được bao xa thì trông thấy dáng của thầy đang lái xe chạy đến, nhìn vội vào lớp thì vẫn còn vài con “Sâu Gạo” ngồi nán lại trong đó, cho nên Liêm cùng vài bạn khác phải chạy vào bắt chúng ra khỏi nơi ngay, nếu không thì đám xuống đườngkia phải lên trình diện với thầy hiệu trưởng sau đó.
Nhắc đến chuyện này, nghĩ lại cũng tội nghiệp cho những con “sâu gạo” của  lớp thời đó ( điển hình là Hùng, Nam…). Lúc nào họ cũng là những người bạn hiền lành và gương mẫu, là những học trò chăm chỉ và siêng năng của các thầy cô…nhưng rốt cuộc thì cũng đã bị lôi cuốn vào con đường phá pháchchungcủa cả bọn.
Chuyện nghịch ngợm trong lớp vào giờ Sinh Học của một cô giáo mới, chuyện vui trong những giờ thực hành nông trại, tháo gỡ máy móc, xây cất cầu cống cùng các thầy…những tên “tiểu yêu” của lớp khi đó vẫn thườnglạm dụng những danh từ nôm na, khoa học như “cầu hay kiều, heo dầu với bu-gi,” để chọc phá các thầy lẫn bạn … Những câu chuyện như thế được nhắc lại ngày hôm nay như cơ hội để nhớ đến những người đã từng là thầy cô kính yêu và khả kính, và cũng là những bậc đàn anh, chị nhiều nhiệt tâm, thân thiện và gần gũi với mọi người mãi còn đến nay.
Liêm cũng nhắc đến những địa danh “Xa Lộ Không Đèn” và “Sa Mạc Tuổi Trẻ”, hình như khi nghe đến tên thì rất quen thuộc nhưng mà cả hai người bạn kia cũng không ai còn nhớ rõ đó là những nơi nào; nhưng khi nói đến tên “Bãi Cát” thì cả hai đều nhận ra ngay. Họ nhớ đến nơi mà cả đội banh của lớp vẫn thường đến đó tranh đùa bóng với nhau vào những buổi chiều tan học, rồi sau đó thì cả bọn kéo nhau đi tắm sông …tập thể.
“Tôi nhớ cả bọn mình trần truồng như nhộng nhào xuống sông,” Sơn cười thật tươi khi nhắc lại chuyện xưa trong trí nhớ của mình, “Cả đám tụi mình làm cho mấy cô chèo đò ngang qua đó phải thẹn đỏ mặt, cứ cúi đầu xuống chèo qua cho nhanh…”
Luân thắc mắc hỏi:
“ Tại sao vậy, chú Sơn?”
Sơn vui miệng nói tiếp:
“Thì tụi nầy…có đứa nào mặc quần aó lúc đi tắm sông đâu. Gặp mấy cô chèo gần đó thì lại hò hét, nhảy lung tung trong nước làm cho mấy cô mắc cở mà chèo qua cho nhanh.” Rồi quay sang nhìn Lâm, Sơn bổ túc thêm: “Tôi nhớ hình như là Hải Lùn nó phá phách nhất vào những lúc đó.”
Lâm cũng vui miệng tiếp vào câu chuyện cho dầu là không nhớ hết những chi tiết khi ấy như thế nào:
“Tôi nghĩ chắc không phải là Hải đâu. Bởi nếu đã mang danh “Lùn” thì lúc đang tắm ở sông có nhảy lung tung kiểu nào thì cũng không thể chọc phá mấy cô ấy cho được, phải không Luân. Họa may là bạn Hải nhà ta đứng trên vai của Chí Thông hay của  Hữu Nghị thì còn… có thể.”
 Luân hiểu ý nên ôm bụng cười to cùng với chú Sơn, Liêm rời khỏi ghế để ra ngoài hút thuốc, Yến cũng đi vào bếp làm một bình trà nóng cho cha cùng hai chú.
 Sơn nhớ lại chuyện “Phi Thân” qua cửa sổ của môn phái “Bốc Hơi” trong võ lâm thời đó vào những giờ học Anh văn với thầy Chuyên. Số người hiện diện trong lớp sau giờ phút điểm danh của thầy vừa chấm dứt thì cũng đã giảm đi thật nhanh, bởi“công phu” của bọn chúng quá thâm hậu. Với lại nhờ sự đùm bọc và che chở cho nhau trong lớp cho nên ai cũng tai qua nạn khỏi.Nhắc đến chuyện nầy, Lâm mĩm cười với chút hổ thẹn, trong lòng chợt nhớ đến một người bạn đã qua đời khi tuổi của anh hãy còn quá trẻ.
Hoàng Tuấn, một thanh niên đẹp trai và hào hoa của lớp; là bạn học trên cùng một con đường đến lớp, và còn là đồng môn của võ đường Nhu Đạo ở chùa Kiến Quốc mỗi ngày. Tánh tình H-Tuấn phóng khoáng nên bạn bè ai cũng thích, còn các cô của những lớp khác thì cũng có nhiều người rất quí mến anh. Tuy không là cầu thủ trong đội thể thao của lớp, thế nhưng trong những trận giao đấu nào thì cũng không vắng mặt của H-Tuấn cùng với cô bạn gái dễ thương nhiệt tình đến ủng hộ. 
Với hi vọng sẽ giúp đở được gia đình vượt qua những hoàn cảnh sinh hoạt mới trong một xã hội đang có nhiều thay đổi, H-Tuấn đã từ bỏ cổng trường đại học, trở về quê nhà để tham gia vào những sinh hoạt khác. Ngày tháng trôi qua nhanh, những học trò của lớp CT ngày trước cũng đã tương đối trưởng thành với những suy tư, định hướng khác biệt. Trước khi lìa xa gia đình ra đi, Lâm trở về tìm bạn với mong chia xẽ được nỗi lòng tâm sự, cùng nói lên đôi lời giã từ. Gặp được H-Tuấn đang có mặt trong một bửa tiệc lớn, có những thực khách trong những bộ quân phục cùng vũ trang khiến Lâm ngần ngại trong lòng để không thố lộ được gì, đành phải để bạn tiễn đưa ra với lời hẹn gặp lại vào một lần khác. Nhưng H-Tuấn đâu đã biết đó là lần gặp mặt cuối của bạn mình, vì ngày mai nó sẽ ra đi.Chính bản thân của nó cũng chưa biết ngày mai, con đường đi đó sẽ đưa nó đến tận nơi nào.
Vài tháng sau, khi còn trong trại…Lâm nhận được tin người bạn thân nầy của mình đã từ giã cõi đời sau một tai nạn giao thông. Thương tiếc thay thật nhiều và cũng tự trách với lòng không ít, Lâm tự hỏi sao mình đã không tìm gặp bạn sớm hơn.
Ba người bạn học cũ này nay cũng nhắc nhớ đến Phạm Ngọc Minh, người bạn trong lớp đã hi sinh ngoài chiến trường sau khi giã từ ghế học trò. Bạn bè cùng lớp cũng với chiếc áo nâu và cái quần đen quen thuộc đã đến tiễn đưa anh. Nguyễn Ngọc Minh cũng đã từ giã cõi đời (Thanh Sơn báo cáo cùng hai bạn), và mới đây thì tin Nguyễn Thanh Hải cũng đã ra đi.
Ba người bạn học cũ ngày nào nay cũng xin nguyện cầu cho linh hồn của những người đã ra đi chóng được siêu thoát, và cũng mong ơn trên phù hộ cho những người bạn còn lại của lớp CT này, dầu đang ở một chân trời góc biển xa lạ nào, ai ai cũng được mạnh khoẻ và hạnh phúc…
Lâm lên tiếng như để phá tan bầu không khí đang yên lặng:
“Đói bụng rồi! Thôi bọn mình cùng hai cháu đi ra ngoài tìm món gì đó ăn, để rồi cha con của Liêm còn phải chuẩn bị ra phi trường bay về bên đó nữa.”
Mọi người đứng lên rời khỏi bộ ghế Sofa. Trong nhà sưởi đã làm ấm lòng mọi người, nhưng ngoài sân thì những cơn gió lạnh vẫn còn buốt rét.Trên không bầu trời cũng đã về chiều và mưa vẫn rơi từng hạt nhỏ;  Lâm nhìn qua khuôn cửa kiếng lớn, một hình ảnh trông rất quen thuộc đang hiện ra trước mắt: Bên kia bờ của dòng sông đang yên lặng…có những ngôi nhà đã lên đèn!
 
 
Viết tại San Jose, 31 tháng 12 năm 2010.
L/S/L
 


 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 789101 visitors (2087679 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free