TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Cái nhà là nhà của ta
 
Xuân Tân Mão

 
CÁI NHÀ LÀ NHÀ CỦA TA
 
Nguyễn Thượng Chánh & Nguyễn Ngọc Lan
 
 
 
«Cái nhànhà của ta,
Công khó ông cha lập ra...» 
 
Nghĩ cho cùng, tiếng Việt là một ngôn-ngữ có thể nói là vô cùng phong phú nhưng cũng rất phức tạp.
 
Chỉ cần có một chữ nhà không thôi, chúng ta có thể biến nó thành trên 300 nghĩa khác nhau tùy theo chữ gì đi kèm theo trước nó hay sau nó!
 
Rồi còn hiểu theo nghĩa trắng, nghĩa đen, nghĩa lóng; còn nói lái, nói cà rỡn, vân vân.
Ngoài ra, cũng tùy theo địa-phương, tùy theo hoàn-cảnh và cũng tùy theo giới nào nói nữa.
Nói vậy mà không phải hiểu vậy!
 
 
                                                                    ***
 
Ông bà mình thường hay nói sống thì cần phải có cái nhà để ở, mà phải là nhà riêng của mình mới thoải mái, và mới tự do. Đi đâu lâu ngày khi trở về căn nhà của mình thì cảm thấy sung sướng gì đâu. Đúng là ở đâu cũng không bằng ở nhà mình!
 
Người nghèo ở vùng nông thôn hay nhà quê thường phải sống trong nhà lá hay nhà tranh vách đất sơ sài...
Trẻ em nhỏ tuổi ở bên nhà thường thích chơi nhà chòi
Người khá giả một chút thì thuê nhà để ở. Đó có thể là nhà mướn, nhà bình dân, nhà rẻ tiền, nhà tiền chế, nhà tập thể, nhà chung cư hay nhà condo.
 
Người độc thân hay người có ít con thì có thể share phòng hoặc share nhà(có người sau đó còn share tình luôn cho tiện việc).
 
Ở Canada, chuyện dọn nhà là chuyện quá bình thường. Người ở nhà mướn thường phải ký tờ giao kèo hay hợp đồng với chủ nhà có giá trị trong một năm. Tại Québec, mỗi năm có từ 200.000 đến 250.000 vụ dọn nhà và thay đổi địa-chỉ nhà. Giao kèo mướn nhà mà Tây bên nầy gọi là bail chấm dứt hiệu lực đúng ngày 30 tháng 6 mỗi năm. Chủ thuê cũ phải dọn ra khỏi nhà đúng ngày đó hay sớm hơn vài ngày để chủ thuê mới có thể dọn vô ở. Dọn nhà trở thành một vấn-đề dân sinh đặc biệt tại Canada. Vui có, buồn có, mệt lắm, phiền phức, bực bội, khổ tâm, khổ trí, mất công hao tài tốn của là chuyện không tránh khỏi.
 
 
Căn nhà tự-do của gia-đình tác giả
 
Nhà đầu tiên của gia-đình tác giả tại đất nước tự do là một căn nhà di động (trailer hay mobile home). Nhà nầy được nhóm người bảo-trợ (sponsor) thuộc hai nhà thờ St-Mary’s Parish (Công giáo) và Hillcrest United Church (Tin lành) tại thành phố nhỏ Montague của tỉnh bang Prince Edward Island (PEI) ở phía Đông Canada, thuê năm 1980 trong chương-trình bảo-trợ.
Đó là một cái nhà không giống ai hết, dài lối (?) 16m, bề ngang lối 5.50m có 2 phòng ngủ ở cuối một đầu, nhà bếp và phòng ăn ở đầu phía kia, chính giữa là phòng khách. Các bánh xe được tháo đâu mất, và cái nhà đó được kê lên cao lối một mét bằng những tảng ciment lớn và vững chắc. Sau đó, người ta bịt kín khoảng trống phía dưới nhà bằng ván ép cho nhà bớt lạnh.
Nhà có đầy đủ tiện nghi tối thiểu theo tiêu-chuẩn Bắc Mỹ. Tuy nhiên, khi có giông to gió lớn, căn nhà rung rinh, kêu kèn kẹt thấy…mà phát ớn xương sống (Trường hợp có bão tố thì các nhà di động bay đi trước hết là cái chắc). Sau nầy mới biết đó là loại nhà dành cho người nghèo trong xã hội bên nầy.
Nhưng dù sao đi nữa, đây là căn nhà ân-tình, căn nhà tự-do, phải đánh đổi bằng mạng sống của cả gia đình mới có được. Xin tri ân đất nước Canada!
 
Từ ngày định cư tại Canada năm 1980 đến nay, gia-đình tác giả cũng đã dọn nhà, thay đổi địa sơ sơ cũng là 6 lần rồi. Kỳ tới, chắc là chỉ còn dọn luôn vô một nhà già nào đó để chờ ngày…ra đi để về mà thôi!
 
Mobile homenhà của dân nghèo. Nhưng mới đây một số chủ đất bên Mỹ đã tán tận lương tâm lợi dụng tình hình xáo trộn nhà đất tại Cali tự động tăng tiền thuê đất lên ngút mây xanh. Theo tin cho biết, có rất nhiều đồng-hương mình ở mobile home. Có nơi tại khu Bolsa họ tăng tiền đất lên 1700$ một tháng. Chủ nhà chỉ còn có cách là «xí bùm bum» căn nhà của mình mà thôi. Đúng là cảnh người bóc lột người, ở đâu mà chẳng có!
Theo phóng viên Trần Danh Thăng, báo Người Việt cho biết July10/2009:
« …Tài liệu có ghi những điểm chính như tiền thuê đất càng cao thì trị giá của căn nhà tiền chế (manufactured home) càng rẻ đi. Khi tiền đất tăng đến $1,100 đô la một tháng thì căn Mobile Home sẽ không bán được vì không ai mua 1 căn Mobile Home để trả tiền đất cao như vậy. Khi tiền đất tăng đến $1,500 đô la một tháng thì chủ nhà sẽ bỏ nhà. Chủ đất sẽ lấy căn nhà, sửa chữa nhà sơ sài rồi bán cho chủ mới và giá thuê đất sẽ bắt đầu là $700 đô la một tháng...»
 
Dân nhà giàu thì ở nhà gạch, nhà lầu, nhà cao cửa rộng có nhà trước nhà sau, nhà khách, 2-3 nhà tắm, nhà xe đôi, tất cả đều rất rộng rãi và mát con mắt. Tại Montréal và vùng phụ cận, nhà nửa triệu trở lên được coi là nhà xịn.
 
Nhà lầu người mình ngày xưa thường nói đó là nhà Tây. Bởi vậy mới có câu nói lên niềm ước mơ thầm kín của đàn ông, đó là ăn cơm Tàu, ở nhà Tây lấy vợ Nhật...Còn nhà không có lầu được gọi là nhà trệt.
 
Có bạn còn phán rằng ăn cơm nhà hoài ngán lắm, lâu lâu lén đi ăn cơm chợ hay ăn phở thấy ngon hơn...Nhưng theo sách xưa thì:
Ta về ta đớp cơm ta, dầu hơi quá lửa cơm nhà vẫn hơn. 
hay
Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
                                                     
Theo sách hay theo đời, thì tùy theo tánh-ý của mỗi người!
 
Nhưng, trên thế giới chỉ có duy nhất mỗi một tòa Nhà trắng (The White house) của TT Hoa-Kỳ mới là tòa nhà nổi tiếng nhất!
 
Tại vùng Tân Châu, Đa Phước Châu-đốc, những người sống ven sông rạch và những đồng bào sắc tộc miền núi đều phải cất nhà sàn, nhà cao cẳng để tránh nước hay tránh thú dữ.
 
Ở các thành phố lớn trên thế giới, nhà phố, nhà cửa thường san sát bên nhau.
Nhà chọc trời hay nhà cao tầng là có những nét nổi bật nhất!
 
Nhiều bà con tị nạn, khi mới đến định cư ở bên nầy, nghèo xơ nghèo xác, chữ nghĩa không rành, lúc đầu thì họ ở nhà rẻ tiền, nhà HLM (habitation à loyer modique), nhà housing (bên Mỹ) hoặc apt mướn, làm hai ba job, chịu cực chịu khổ, làm chui, làm lén ở nhà hàng, lau nhà quét rác nhà thương, gom góp tiền, lớp để dành, lớp gởi chút ít giúp gia đình hay thân nhân còn kẹt bên nhà.
Năm sáu năm sau nhờ biết góp gió thành bảo, họ có đủ tiền để down một căn nhà do chính họ làm chủ. Tùy theo nhà có bao nhiêu tầng mà có tên gọi khác nhau như duplex (có 2 logements), triplex hoặc quadriplex. Mỗi tầng là một đơn vị gia cư hay logement. Thông thường chủ nhà ở tầng trệt phía dưới nhà. Các tầng nhà phía trên đều có thể cho mướn lấy tiền trả nợ nhà băng.
Cho mướn nhà, ăn được đồng tiền của ngưởi ta cũng phải chịu đựng cả trăm cay ngàn đắng. Gặp người mướn nhà biết điều thì mình đỡ khổ, còn ngược lại gặp dân trời ơi đất hởi cà chớn thì bị họ đày ải và hạch sách đủ thứ khiến cho chủ phát…khùng luôn.
Có khi họ ăn ở bừa bãi, làm hư căn nhà của chủ luôn. Chuyện người mướn nhà quịt tiền nhà rồi dọn nhà trốn mất luôn xảy ra cũng thường lắm!
 
Khi có được dư dả tiền bạc chút đỉnh, các chủ nhà bắt đầu mua sắm thêm cái nầy cái nọ trong nhà, thí dụ như mua xe nhà hiệu Lexus mới cáu cạnh chở vợ con đi chơi cho các bà ở các nhà hàng xóm lé mắt tức chơi.
 
Có người khi tậu nhà mới, họ cũng biết tổ chức làm lễ xông nhà (house shower) để trước là khoe của sau là nhận quà biếu. Hách xì xằng!
Có người còn chơi trội, mua nhà cũ, nhà xấu, nhà rệu, nhà hư về chịu thương chịu khó tu sửa, đắp vá lại thành…nhà mới coi cho được cho tươm tất hơn, để làm nhà cho mướn hay nhà bán.
Đâu cần phải học đại học, có bằng nầy cấp nọ mới thành công mới giàu. Chỉ cần chịu khó, chịu cực biết tính toán, có quyết tâm đi tới là được.
Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh mà!
 
Tại Canada cũng như tại Anh Quốc, một số dân anh chị người mình đang phát triển ngành kinh doanh trồng cỏ trong nhà, vốn một lời mười. Bởi vậy mới kéo theo những dịch vụ phụ thuộc như dọn rác trong nhà, hốt rác kín đáo, v.v…Họ mua nhà mới, nhưng không ở, lại biến nó thành nơi trồng cần sa dưới tầng hầm nhà basement… Ở Việt Nam, người ta gọi họ là người Việt cỏ, và khi về bển du hí, họ xài tiền như nước, chi xộp lắm, có lẽ vì họ xem đồng tiền như…cỏ rác chăng?!
 
 
Được vài năm thì mọi việc cũng đổ bể, bị nhà chức trách, nhà đương cuộc tóm cổ...Ở Canada, thì dường như tội nầy không nặng lắm so với Hoa Kỳ. Thường thì nhà băng lấy nhà lại. Nhưng lúc đó thì căn nhà cũng bị hư mục và mốc meo hết trơn hết trọi rồi!
 
CANADA - Người Việt Montreal: 96 người Việt bị bắt trong vụ trồng và buôn bán cần sa
 
Rất nhiều người tị nạn lúc ban đầu tay trắng, nay trở thành chủ nhà, chủ apt trên đất nước tự do.
 
Tại Montréal cũng như ở bất cứ thành phố nào trên thế giới, cũng có khu nhà giàukhu nhà nghèo. ..Nhà Tây thường có piscine, nhà Việt Namnhà Tàu hình như không thấy có cái mode có hồ tắm.
nhà Tây mà sống theo kiểu Việt, khi vô tới cửa thì biết có…mùi liền!
 
Chuyện gì cũng vậy, làm ăn cũng phải có may mắn và có thời mới được. Gần đây, vì tình hình kinh tế suy sụp, nhiều chủ nhà bên Mỹ không đủ tiền trả nợ thế chấp mortgage mỗi tháng nên có lắm người bị nhà băng xiết nhà. Thế là đi đời nhà ma, tiêu tan sự nghiệp. Mất toi căn nhà!
 
Chuyện cưới hỏi đối với nhiều người Việt Nam còn rất quan trọng. Ngày nay, chuyện nhờ nhà mai mối đã lỗi thời rồi, nhưng nhà trai nhà gái cần phải môn đăng hộ đối mới tốt.
Bên nầy con cái lớn lên tụi nó chỉ mong đợi mau mau vọt ra khỏi nhà cha mẹ càng sớm càng tốt để khỏi bực bội và có được tự do hơn. Chừng nào bị mất việc, rã đám với con blonde (ghệ) hay với thằng chum (kép), thì vác mặt về nhà cha mẹ xin tạm trú ăn uống miễn phí tạm trong một thời gian!
 
Ngày xưa, có nhiều cô gái Bắc biết quý trọng đức-tính siêng-năng cần-cù của người thanh-niên muốn xin cưới mình hơn là của cải tài sản bên nhà trai hay nhà chồng nên mới có câu rằng:
‘Người ta thách lợn thách gà. Nhà em thách cưới một nhà khoai lang’.
Mà muốn có được một nhà khoai lang thì cậu thanh-niên phải nhọc nhằn cày sâu cuốc bẫm trồng trọt, cực khổ dãi nắng dầm mưa trong nhiều tháng trời, mới được phép cưới nàng về làm vợ!
 
Bạn bè người Bắc trẻ tuổi đôi khi nói chuyện với nhau thường tự xưng mình là nhà cháu hay nhà tớ. Còn bạn bè người Nam thì kêu xưng bằng mầy mầy tao tao cho thân mật, nhưng đối với những người thân cận trong nhà, thí dụ như vợ chồng mà nói mầy mầy tao tao với nhau một hồi là thế nào cũng…có chuyện, chén bay diã bay tứ tung, tiếng bấc tiếng chì một hồi dám bể nhà bể cửa lắm!
 
Giáo dục gia đình được người đời rất quan tâm. Con nhỏ đó là con gái nhà lành, nhà kín cổng cao tường và có vẻ ngoan hiền nết na lấy làm vợ được lắm. Nhưng lấy về ở với nhau sau một hai chục năm thì mới biết đá biết vàng!
 
Nhiều ông chồng ở với vợ nhà lâu ngày thì đâm ra sanh tật, sanh sự, thèm cơm nhà khác để đổi gu…Đôi khi trốn vợ nhà, đi nhà ngủ, nhà thổ, nhà chứa, nhà lục xì tìm em út trẻ đẹp, mát xa mát gần từ A tới Z cho khỏe cho sướng cái tấm thân già. Lỡ vướng phải bệnh mà Mỹ xếp vào nhóm Sao Tui  Dại (Sexually Transmitted Disease) thì phải vào nằm nhà thương. Bị Sida thì kêu Trời như bọng, trách sao nhà mình không có phước. Rồi đến khi…thăng, được đưa xuống nhà xác máy lạnh. Người nhà được báo hung tin, vội vã đi tìm nhà quàn, nhà hòm, nhà mai táng để lo tang lễ. Ngày đưa đám, nhà được mời đến đọc kinh vãng sanh cóc cóc ben ben bên cạnh xe nhà vàng (chuyện bên VN)...Nhà táng được đốt đi để người quá cố xuống âm-ti có nơi mà ở. Đừng lầm lẫn nhà táng đám ma với nhà táng (sperm whale) là một loài cá voi lớn nhất thế giới.
Sau đó thì xây nhà mồ thật to, thật đẹp để khỏi tủi hổ vong linh và cũng để le, để nở mày nở mặt với xóm làng (chuyện có thật bên nhà hiện nay)!
 
Con cái đẻ ra mà có tài và giỏi dắn thì cha mẹ hãnh diện vô cùng, nở mày nở mũi và khoe rằng con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh!
 
Nhà lúc đổi đời
 
Nhà tan cửa nát. Hằng triệu người trong số đó có người viết liều mạng bỏ lại nhà cửa, bỏ quê nhà ra đi vì tự-do. Nhà mình trở thành nhà người ta.
Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ mà lỵ!
Ai hó hé chống đối thì bị tống vô nhà giam, nhà , nhà mát, nhà đá, nhà lao, nhà cải tạo hay nhà trừng giới... Họ được nhà cầm quyền nuôi dưỡng đàng hoàng bữa đói bữa no và lại còn có người canh gác, giữ gìn an ninh cho họ ngủ nữa!
 
Ở bên nhà,ngày nay nhà trường hay thay đổi cách dạy lia chia…Phụ-huynh nhà lo lắng cho tương lai của mấy đứa con... Nên nhà nào nhà nấy ai cũng ước mơ gởi con đi Mỹ hoặc đi Tây ăn học hầu có được tương lai tươi sáng hơn, đồng thời cố làm đủ cách để được ở lại sinh sống hợp pháp và tạo một cơ sở vững chắc gì đó hầu tía má có thể vọt qua nếu cần...Tại Hoa-Kỳ và Canada tính đến năm nay cũng phải có trên vài ba chục ngàn «du-sinh» đang theo học trung học, cao đẳng và đại học. Phần lớn là «cocc» và con cháu của những nhà tư-bản đỏ!   
 
Ăn chơi đàng điếm nổi lên khắp nơi. Nhà hàng, nhà ăn, cùng quán nhậu đâu đâu cũng có nhưng cái lạ là không thấy có nhà cầu, nhà chồ, nhà hay nhà ị công cộng cho người ta nhờ (chuyện năm 76-77)… Mấy ông, mấy cậu bí quá thì xỉa đại vô bánh xe, vô gốc cây hay vách tường hoặc xả đại vào hàng rào của nhà người ta. Bị bắt gặp, bị chửi thì cứ giả đò làm ngơ!
Còn mấy cô, mấy bà thì sao? Chắc là phải mau mau chạy vô nhà dân hay vô tiệm nước năn nỉ, xin phép họ cho đi nhờ, còn không thì đành nhăn nhó, ráng chịu vậy thôi!
Theo  tác phẩm ‘Bên đời hiu quạnh 23’ của Khánh Ly
 «Còn một nhà nữa. Cái nhà này rất quan trọng, ai cũng cần. Từ Vua chí dân, từ đẹp tới xấu, từ giàu tới nghèo, từ già chí trẻ. Không ai mà không cần. Không có nó là không xong dù nó xấu xí hôi hám. Đó là… Nhà Cầu. Cái Nhà này ly kỳ ở chỗ cùng một công dụng nhưng được gọi nhiều tên. Người Bắc gọi là Nhà Chồ, Nhà Xí, Nhà ỉa nam, Nhà ỉa nữ. Người Nam gọi đẹp hơn… Nhà Cầu hay Cầu Tiêu. Tây Ta gọi tắt là WC. Mỹ văn minh hơn gọi là … Phòng nghỉ Restroom.”
 
Cảnh đời càng khổ thì người ta càng có lòng tín-ngưỡng. Nhà thờ, nhà chùa, nhà nguyện, nhà dòng, nhà chung, nhà tĩnh tâm, nhà thiền, nhà chiêm tinh, nhà tướng số, nhà ngoại cảm đóng vai là những chỗ, những điểm tựa tinh thần của nhiều người.
Khách thập phương ở xa đến thì được vô nhà khách ngủ qua đêm!
 
 
 
«Nhà»: người, nghề nghiệp hay nơi chốn?
 
Trong xã hội ngày nay nhà còn có thể là người, là nghề, là nơi chốn, là địa danh hay là chức vị…
 
Đó là nhà Lê, nhà Nguyễn, nhà ngươi, nhà chính trị, nhà chính khách, nhà vua, nhà cách mạng, nhà cải cách, nhà yêu nước, nhà lãnh đạo, nhà độc tài, nhà đấu-tranh dân-chủ, nhà quan quyền, nhà dân, nhà tỷ-phú, nhà vô địch, nhà buôn, nhà kinh doanh, nhà đầu tư, nhà xuất-nhập-cảng, nhà thầu, nhà kinh tế, nhà quản lý, nhà báo, nhà bào-chế, nhà sáng chế, nhà quan sát, nhà phát minh, nhà văn, nhà viết, nhà viết sách, nhà viết chùa, nhà viết sử, nhà thơ, nhà điêu-khắc, nhà kiến-trúc, nhà trang trí, nhà đạo diễn, nhà thiết kế, nhà vẽ kiểu thời-trang, nhà họa-sĩ, nhà soạn nhạc, nhà làm phim, nhà doanh nghiệp, nhà nghề...
 
Nhà sinh học, nhà nghiên cứu, nhà dinh dưỡng, nhà điều dưỡng, nhà khảo cổ, nhà di truyền học, nhà khoa học, nhà toán học (Ngô Bảo Châu), nhà vật lý học, nhà hóa học, nhà địa chất học, nhà lập-pháp, nhà tư-pháp, nhà du-hành không gian, nhà thiên-văn.
Nhà đô vật, nhà thể thao, nhà dìu dắt, nhà huấn luyện, nhà hùng-biện, nhà đàm phán.
Nhà tài chánh, nhà cố-vấn, nhà thám hiểm, nhà truyền giáo, nhà tiên-tri.
Nhà mô phạm, nhà giáo, nhà gõ đầu trẻ, nhà học giả, nhà học thức, nhà trí-thức.
Nhà mai mối (một trong bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu).
Nhà nông chân lấm tay bùn, nhà khai thác, nhà hiền-triết, nhà thông-thái, nhà đạo đức thiệt, nhà đạo đức giả, nhà từ thiện thiệt, nhà từ thiện dõm, nhà tu hành, nhà hảo tâm, nhà bảo-trợ (sponsor), nhà mạnh thường quân...
Nhà cái (dân sát phạt đỏ đen), gà nhà (phe ta), bồ nhà, nhà binh, lính nhà, quân nhà...
 
Nhà quảng cáo, nhà giao dịch, nhà sản xuất, nhà tuyển dụng, nhà phân phối, nhà phát hành, nhà triển lãm, nhà xuất bản, nhà mai táng, nhà bảo hiểm, nhà ương cây, nhà bảo sanh, nhà hộ sinh, nhà thuốc Tây, nhà thuốc Bắc, nhà sách, nhà trường, nhà nội trú, nhà trọ, nhà cầm đồ, nhà may, nhà đèn, nhà tắm hơi mát xa, nhà vãng lai, nhà tiếp tân, nhà cứu trợ, nhà nghỉ mát, nhà thủy tạ, nhà văn hóa, nhà hát, nhà trưng bày, nhà lồng chợ, nhà bán, nhà bếp, nhà ăn, nhà ga, nhà kho, nhà gác, nhà giữ trẻ, nhà dưỡng lão, nhà an dưỡng...
 
Nhà housing (cho người nghèo ở Mỹ) hay nhà HLM ở Montréal (habitation à loyer modique).
Nhà chính (demeure principale), nhà phụ (demeure secondaire, chalet).
Nhà dây thép PTT (Bưu điện Sài-gòn thời Pháp).
Nhà Bàng (tên thị trấn của huyện Tịnh Biên, tỉnh An giang),
Nhà bàn (nhà ăn cơm trong các quân trường VNCH).
Nhà bè Thủ Thiêm (nơi hứng gió hay ăn chè).
Nhà Rồng (bến cảng Sài-gòn ngày xưa).
Nhà việc (cơ quan hành chánh ở tỉnh),
Trang nhà (website). Hiệu ứng nhà kính (effet de serre), nhà kiếng (trồng cây), nhà ổ chuột, nhà tuyết hay nhà nước đá (Igloo, ice house) ở Bắc cực...
 
Nhà hương-hỏa (nhà con trai trưởng thừa hưởng từ cha mẹ để thờ phụng tổ-tiên).
Nhà thịt bò bít-tết (tên một hệ-thống nhà hàng chuyên bán thịt bò bít tết, Steak House ở Canada), nhà mì, nhà hủ tiếu (Noodle house), nhà bán cà-phê (coffee house)…
Nhà tình thương giúp người nghèo khó, tàn tật, già yếu ở VN có chỗ ở (Loving House Project của hai vợ chồng nhà hảo-tâm Carlota-Hoa Kỳ)
Nhà May Mắn của cô Tim (đã từng gây sóng gió trong cộng-đồng người Việt tị-nạn), mua bán nhà đất, nhà cho thuê, nhà cho mướn, thợ chuyên sửa nhà.
Vườn không nhà trống, tiêu thổ kháng chiến là chiến thuật mà dân quân Liên xô đã áp dụng tại thành phố Stalingrad để đối phó với sự tiến quân của Đức Quốc Xã.
 
Trả nợ nước, rửa thù nhà.
Đèn nhà ai nấy sáng.
Đi đâu xa thì nhớ nhà.
Ngồi lê đôi mách chuyện nhà người khác.
Nhãn hiệu nhà (marque maison) giá bán ra rẻ hơn sản phẩm mang nhãn hiệu quốc gia (marque nationale)...Tại các siêu thị IGA, Loblaws/Provigo và Métro ở Québec, các nhãn hiệu nhà thường thấy là Sélection Mérite, le Choix du Président, No names, Nos Compliments, v.v.
 
Cây nhà lá vườn.
Ăn cơm nhà, lo chuyện thiên hạ.
Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh.
Con không cha như nhà không nóc
Nhà tôi (tiếng nói thương yêu, tương kính chỉ vợ hay chồng của mình).
nhà là người xếp trực tiếp của ông nhà...Ông nhà chỉ làm xếp khi bà nhà đi vắng.
nhà ông thành bà nhà tui (cha nội nầy bị bạn cưỡm vợ, cũ người mới ta!)
Cái đồ nhà…(đồ: nghĩa tiếng miền Nam khác nghĩa với miền Bắc!)
 
Nhà trong đời sống gia đình
 
  Chiều chiều về tới cổng nhà,
  Nhà tôi trông ngóng từ nhà ngó ra.
  Nghỉ hưu lẩn quẩn quanh nhà,
  Nhà sau nhà trước, buồn vui tuổi già.
   (Nguyễn Thượng Chánh)
 
«Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình».
  (Tâm sự tuổi già. Chu Dung Cơ)
 
Nhà trong văn chương
 (trích từ Internet)
 
  Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
 Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
  Dừng chân đứng lại trời non nước,
  Một mảnh tình riêng ta với ta.
   (Bà Huyện Thanh Quan)
 
                                                                    ***
 -Chị kia bới tóc đuôi gà,
   Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu?
  -Nhà tôi ở dưới đám dâu,
   Ở trên đám đậu đầu cầu ngó qua.
   Ngó qua đám bắp trổ cờ,
   Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông!
                                                            
   
                                                                     ***
                                                              
    Chim khôn đậu nóc nhà quan,
    Em về cắt rạ đánh tranh,
    Chặt tre chẻ lát cho anh lợp nhà,
    Sớm khuya hòa hợp đôi ta,
    Hơn ai gác tía lầu hoa một mình!
 
                                                                     ***
 
   Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà,
  Đi chợ thì hay ăn quà,
  Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm!
 
                                                                      ***
   Chưa đi chưa biết Đồ Sơn,
   Đi rồi mới biết không hơn đồ nhà.
   Đồ nhà tuy có hơi già,
   Nhưng là đồ thật, không là Đồ Sơn!
 
                                                                         ***
    Chưa đi chưa biết Cà Mau,
    Đi rồi mới biết không đâu bằng nhà.
    "Cà nhà" tuy có hơi già,
    Nhưng là..."cà chậm", không là "cà mau"!
                                                             
Kết luận

 Quả thật chữ nhà tượng trưng cho những gì gắn-bó và thân-thương nhất của chúng ta!
 Đó cũng là lời tâm-tình của Giáo-sư Trần Văn Khê qua bài:
 «Giá trị của chữ ‘Nhà’ trong đời sống người Việt»:
 “Dù chúng ta là ai, làm gì, sống trong hoàn cảnh nào thì ngôi nhà vẫn là nơi chốn bình yên nhất, ấm áp nhất, hạnh phúc nhất để ta quay về. Vậy chúng ta hãy yêu nó nhiều hơn và dành cho nó những điều tốt đẹp nhất”.
 
                                                                                  ***
 
Năm mới Tết đến, hai vợ chồng nhà tôi (nhà tớ hay nhà cháu!) xin gởi đến quý bạn, quý bồ nhà, khắp mọi nơi lẫn mọi nhà, ở bên đây cũng như ở bên nhà, nhà nhà như một,từ nhà trên xuống nhà dưới, kể cả luôn nhà hàng xóm, lời cầu chúc chân tình: “muốn-cái-gì-được-cái-đó & vui-cửa-vui-nhà” từ đầu năm cho đến cuối năm, 365 ngày không sót một ngày nào”!
 
“Năm mới Tết đến. Rước hên vào nhà. Quà cáp bao la. Mọi nhà no đủ. Vàng bạc đầy hũ. Gia chủ phát tài. Già trẻ gái trai. Sum vầy hạnh phúc. Cầu tài chúc phúc. Lộc đến quanh năm. An khang thịnh vượng!”(trích từ Internet)
 
Xuân Tân Mão 2011
 
Montreal, October 15, 2010
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855773 visitors (2219082 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free