TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Nhớ Tết
 
Xuân Tân Mão

NHỚ TẾT
 

 
   Vào dịp cuối năm lòng tôi nao nao nhớ lại tết thời tuổi thơ dưới mái ấm gia đình. Không khí đón tết ở quê tôi thời ấy trang nghiêm lắm! Nhà nhà chuẩn bị quết bánh phồng, tráng bánh tráng, nấu mạch nha...
   Quết bánh phồng phải thức lúc nửa đêm, tôi và anh tôi thay nhiên nhau cầm chày quết lên nếp xôi trong cái cối nghe bành bạch âm thanh vang dội cả xóm làng, chị tôi cho nước vào từng nhịp có ướp men với nhựa của cây bông dang, đến khi nhuyễn thì bắt ra từng nắm rồi cán mỏng thành hình vòng tròn đường kính bằng gang tay trên miếng lá chuối xong úp ngược lên manh đệm, cái nầy cạnh cái kia đến khi đầy thì tiếp tục đến manh đệm kế, làm thật nhanh trước khi mặt trời mọc để phơi cho kịp khô trong một ngày nắng. Ba má tôi là chuyên viên kỷ thuật.  
  Cách làm bánh tráng cần phải làm vĩ phơi từ cái tàu dừa, tôi và anh tôi leo lên tận đọt cây dừa chặt từng tàu dừa tươi còn nguyên xuống chẻ làm đôi, rồi đan thành vĩ phơi bánh tráng. Bánh tráng làm bởi bột gạo xay nhuyển bằng cái cối đá có thêm mè, đường, muối… Má và chị tôi thay phiên nhau múc bột bằng cái gáo dừa, tráng đều bột trên khăn mỏng vải trắng bịt chặt lên trên nồi nước nóng sôi sùng sục, đậy nắp nồi trong vòng 5 phút, bột chín, tay trái cầm thanh tre mỏng cại bánh ép vào thanh gỗ to tròn dài cầm bên tay phải cuốn nhẹ bánh mềm vừa chín rời khỏi nồi hấp chuyền qua tay tôi và anh tôi thay phiên trải nhẹ nhàng trên vĩ đem phơi nắng.
   Còn nấu mạch nha thì dùng lúa ủ lên mộng cao cở chiều dài của ngón tay cái, rồi phơi nắng cho khô, quết nhuyển mọng khô ủ với men mua ở chợ trộn với nếp xôi chín từ sáng ngày hôm trước hòa với nước cho ngập, vào khuya hôm sau thức hết cả nhà cùng nhau nhanh tay vắt ra nước từ hổn hợp ấy, nước có mùi thơm ngọt sền sệt, dùng khăn lượt sạch, rồi cho vào nồi đun nhẹ, hớt bọt, đến khi quánh lại thành mạch nha hòa đều với đậu phọng đã rang chín để nguyên hột. Má tôi chủ động suốt giai đoạn đun nhẹ này theo kinh nghiệm của ngoại và nội truyền lại, phải đốt lửa riu riu, nhiều lửa làm khét thì không còn mùi mạch nha. Hồi học ở trường đại học khoa học Saigon thì thầy tiến sĩ hóa học Phạm Văn Hoàng giảng rằng mạch nha là đường đôi được phân hóa từ đường đa của nếp và mọng lúa.
   Vậy thì phản ứng như thế nào trong một ngày giữa nếp xôi chín với men và mọng lúa khô hòa trong nước để biến từ đường đa thành đường đôi mạch nha? Và giải thích làm sao khi quết bánh phồng không có tẩm nhựa của cây bông dang thì cái bánh phồng dẹp rộng cỡ bàn tay khi đem nướng sẽ không nở xòe bằng cái mâm?  
   Ông bà xưa còn tin tưởng rằng tết đến nướng bánh phồng nở phình to tròn là bước sang năm mới thịnh vượng lúa sẽ trúng mùa… bánh tráng nướng giòn kẹp với mạch nha đem cúng trên bàn thờ, cùng với hoa vạn thọ, huệ, mai, ngũ quả, trà, rượu, bánh mứt... cúng xong đợi đến tàn cây nhang rồi mới đem xuống bàn ăn.
   Ngày 23 tháng chạp có tục lệ đưa ông táo về trời. Trước mùng một 2 ngày là lễ cúng rước ông bà, tôi còn nhớ ba má tôi có con cá ngon rọng trong lu để dành cho ngày này. Hai ngày cuối năm và ngày mùng một cả nhà tôi đều ăn chay theo tục lệ. Ngày mùng hai cúng mặn, má và chị tôi nấu một nồi bánh tét thật to, cháo vịt, thịt heo kho rịu, dưa giá,... Ngày mùng ba cúng ra mắt một con gà, giữ lại cặp chân đem phơi khô rồi treo với 2 trái cau trước cửa nhà, những ngón chân gà duổi thẳng xuống là năm đó làm ăn thịnh vượng, đại cát… Tôi còn nhớ có cả một dĩa đựng gạo và muối, cúng xong gạo muối được hất cao lên trên mái nhà trước, có lần tôi hỏi ba má thì được giải thích rằng theo ông bà xưa dạy như vậy nên không thể làm trái.
   Từ khoảng giửa tháng chạp má tôi dạy chị tôi làm đủ loại mứt bí, mứt gừng, dưa kiệu, cải chua… Trước ngày đưa ông táo về trời tôi và anh tôi chuẩn bị bàn thờ, cắt lá thơm đánh sáng bộ lư đồng… Phiên chợ tết ba má tôi đi mua them về nhà đôi liễng, vài chậu bông vạn thọ đem về đặt trước cửa nhà và hai bên bàn ông thiêng ở ngoài sân trước cầu mong cho mọi điều may mắn “phước lộc thọ” trong năm mới.
   Sáng sớm ngày mùng một đi mừng tuổi, chúc tụng, cúng lại trước bàn thờ ông bà. Quê tôi thời ấy mọi người đều giữ đúng với câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi…”. Có cả tục lệ đánh bài trong những ngày tết, bài xì dách, bài cào, bài cát tê, hốt me, đá gà… xem như là thú tiêu khiển trong dịp đầu năm, đâu có ai thèm để ý chi đến câu “Cờ bạc là bác…”.
   Sau khi ba tôi đã đi bán muối, vào một dịp cuối năm tôi cố gắng thu xếp việc nhà để chấp cánh về với quê hương bên “gối mẹ già” trong mấy ngày tết. Lúc đó má tôi vui cười nhắc lại chuyện xưa của ba tôi khi thời tôi còn nhỏ bé chưa biết gì: Vào một dịp tết ba tôi nổi hứng bán đứng trước 100 giạ lúa thơm “đuôi chồn” cho bác Hai Chiếu ở trong xóm để lấy tiền đánh bài vui mấy ngày tết. Đến mùa lúa phải đong lúa trả nợ còn lại chỉ có 7 giạ khiến cho má tiếc hùi hụi. Tôi bèn hỏi tiếp gạo thơm “đuôi chồn” chắc là thơm ngon lắm! Má tôi tươi cười: “nồi cơm chín trong bếp mà đứng từ xa ở dưới bờ sông cũng ngửi được mùi thơm”. Thế rồi bốn năm sau má tôi cũng cầm cây dầm bơi xuồng đi bán muối với ba, năm năm kế người anh duy nhất của tôi cũng đồng hành theo.
   Ngồi đón giao thừa, tôi chợt nhớ lại vào một ngày giữa năm 1970, lần đầu tiên trải qua một tháng xa nhà theo học ở Trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ, khi vừa mới bước về nhà thì ba má tôi mừng rỡ bảo anh tôi rượt bắt ngay một con vịt kho gừng đãi con trai mình đi học xa mới về “Vị ngon ngày ấy hãy còn trong tôi”. Ba mươi ngày trước đó, má tôi đã bơi xuồng đưa tôi ra bến xe chợ Hòa Long quận Đức Thành tỉnh Sa Đéc nay là thị trấn huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp để lên xe Lambretta đi tới Vàm Cống, qua bắt, đón xe đi tiếp đến Tây Đô nhập học khai trường. 
   Mỗi năm tết đến, tôi ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu vô tư tung tăng trong căn nhà lá nền đất trên bờ sông thuộc một ngọn của dòng Hậu Giang, ở đó tôi đã từng đứng trên bờ sông nhảy ào xuống nước bơi lội hằng ngày, đây chính là nơi chôn nhao cắt rung của mình, năm xưa chốn nầy có hình bóng của ba má và anh tôi.
 
Trần Văn Diên 70-73 (CT) Texas ngày 19-12-2010
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860276 visitors (2230745 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free