TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Cái Tết đầu tiên ở hải ngoại
 
Xuân Tân Mão

CÁI TẾT ĐẦU TIÊN Ở HẢI NGOẠI
 
          Tuyết ơi! Hãy ngủ trên cây
             Để cho ta thấy đêm nay đở dài
             Xuân về chẳng có hoa mai
             Ngở ngàng đất khách, nhớ hoài Xuân xưa
 
Đến nay, tôi ăn đúng 31 cái Tết ở xứ người. Tháng Tết Việt Nam là tháng lạnh nhất trong năm ở nước Anh, tháng giá buốt, có tuyết rơi, đôi khi có bảo tố hay bảo tuyết thình lình.
          Nhớ lại, 32 năm trước, giữa tháng 12/1979, ba mẹ con đáp máy bay đến Anh quốc trong diện đoàn tụ gia đình với chồng, với cha.
Trong ba tháng đầu tiên, ba mẹ con tôi chưa thích ứng với khí hậu và văn hóa nước người, với nỗi ray rức trong lòng về việc vĩnh viễn lìa bỏ quê hương với nhiều mất mác. Mỗi buổi chiều chồng tôi đi làm về tới nhà khoảng 5:30 giờ, thì ba mẹ con đã đi ngủ từ 4 giờ chiều vì mặt trời đã lặn và trời tối đen như mực từ lúc 3:30 giờ. Sáng sớm, mặt trời mọc lúc 9 giờ, trong lúc các con tôi còn ngủ, thì chồng tôi phải đi làm lúc 7:30 sáng.
          Tôi cũng chưa quen cảnh chợ búa ở các siêu thị, chỉ chờ tới cuối tuần chồng tôi mới có thì giờ để dẫn ba mẹ con đi shopping, mua thức ăn trữ cả tuần. Còn chiều tối, muốn mua gì thêm thì chỉ một mình chồng tôi đi chợ, các con tôi đã đi ngủ, mà theo luật ở Anh, không được để trẻ con dưới 10 tuổi ở nhà một mình, tôi phải ở nhà với chúng. Cha mẹ có thể ở tù nếu vi phạm điều này.
          Trong thời gian mấy tháng đầu, tôi phải học đủ thứ để thích ứng với môi trường mới: học tiếng Anh, học văn hóa phong tục, học cách đi chợ ở siêu thị, học cách vào thang máy, cách tiếp đải bạn bè của chồng v.v. cho khỏi phải quê mùa. Ngày Tết Việt Nam đầu tiên của tôi ở Anh là Tết Canh Thân, nhằm ngày 16/2/1980, đúng 8 tuần sau khi ba mẹ con tôi đến nước Anh. Mọi việc chuẩn bị cho Tết đều do chồng tôi đảm nhiệm.
          Cũng cần nói thêm là vùng Reading, ngoài gia đình chúng tôi, chỉ có 3 gia đình người Việt gốc Hoa ở Miền Bắc vừa mới đến định cư. Vì khác biệt văn hóa, trình độ học vấn, thể chế chính trị, và không có cùng những kỹ niệm chung của Miền Nam trước 1975 để tâm tình, nên chúng tôi không thể nào quen thân được, mặc dầu chồng tôi ở trong ủy ban cứu trợ định cư của thành phố để giúp các gia đình này.
          Chúng tôi ăn Tết đầu tiên trong cô đơn và giá lạnh. Trên bàn thờ chỉ có hoa quả, kẹo, bánh, mứt và một số thức ăn mà tôi và chồng tôi cùng nấu. Mứt mua ở các Health shop, chứ không phải mứt của Tàu hay Việt Nam.  Trên bàn cúng không có bánh tét, không có dưa hấu, không có hoa mai, và nhiều thứ khác tiêu biểu Tết VN mà chúng tôi không có. Ngay cả đốt nhang, chúng tôi cũng phải hạn chế, vì sợ khói nhang sẽ làm hệ thống “Smoking alarm” báo động nhà cháy thì càng nguy.
          Trong suốt mấy tháng đầu, tinh thần tôi vẫn còn bị ám ảnh về những khổ nhục ở quê nhà mà tôi đã trải qua suốt 4 năm. Hàng đêm tôi thường hay mộng mị, la ú ớ, chồng tôi phải đánh thức nhiều lần. Tôi đang trải qua cơn khủng hoảng, dằn vặt tinh thần. Ra đi khỏi đất nước tôi vừa mừng, vừa tủi, vừa lo âu, vừa hối hận là không làm tròn được nhiệm vụ của người vợ là bảo vệ tài sản của chồng. Tất cả công lao của 10 năm làm việc của chồng, vài năm làm việc của tôi, cộng thêm với gia tài của cha mẹ chồng cho để vợ chồng chúng tôi mua một mảnh đất khá lớn ở một vị trí tốt trên đại lộ Nguyễn Viết Thanh, nay là đường 3 tháng 2, để cất một ngôi nhà lý tưởng. Trong bao năm, chúng tôi đã tốn không biết bao nhiêu công sức để tạo nên một vườn toàn cây ăn trái quý mà chồng tôi sưu tập. Đúng là một tổ ấm lý tưởng của gia đình. Thế mà tôi đã không giữ được. Sau bao tháng đấu trí để cố giữ tài sản của chồng, nhưng tôi thất bại. Cán bộ nhà đất của chính quyền thời này cho tôi biết là có luật nói rằng tôi không được phép bán hay nhượng lại đất đai nhà cửa cho ai, dầu là cha mẹ hay anh em ruột của mình, bởi vì đây là tài sản do cả vợ chồng tôi đứng tên mà chồng tôi lại ở nước ngoài mặc dầu chồng tôi du học chứ không phải vượt biên. Tôi cũng biết rằng nhiều người có đất đai nhà cửa dọc con đường có vị trí tốt này đã lần lượt không còn làm chủ trên mảnh đất của mình. Cuối cùng tôi đành phải ký vào tờ giấy của chính quyền viết sẳn theo đó tôi “tự nguyện” ủy nhiệm chính quyền “quản lý” tài sản của chúng tôi để đổi lấy giấp phép xuất cảnh cho ba mẹ con. Tôi đã đắn đo trong nhiều ngày khi cầm cây viết, cuối cùng tôi nghĩ đến tương lai các con tôi, sự nghiệp của chồng tôi ở xứ người, tôi gạt nước mắt mà ký. Ngày lên máy bay, tôi mang theo vỏn vẹn một vali nhỏ quần áo của hai con và 10 đô la được phép mang theo. Mười đô la chưa tới một giờ làm việc của chồng tôi vào thời 1979. Chính vì vậy mà tinh thần tôi bị dằn vặt trong một thời gian dài, mặc dầu chồng tôi đã an ủi, rằng đó không phải lỗi của tôi, và rằng chỉ cần một hay hai năm là chúng tôi sẽ có lại tất cả. Chồng tôi cũng an ủi rằng tiền tài danh vọng là thứ phù du, nay còn mai mất, nên đừng quan tâm. Chỉ có những gì trong trí óc mình thì mới sở hửu vĩnh viễn, không ai cướp đi được, vì vậy phải đầu tư trí tuệ vào hai con, hơn là than khóc không lợi ích gì. Sau này, tôi mới biết là chồng tôi nói đúng, nhưng vào thời điểm đó tôi bị ám ảnh mải về sự mất mát này.
Vì vậy, trong đêm giao thừa, thay vì hớn hở đón mừng Xuân, lại là đêm tôi ngồi khóc. Tôi nhớ da diết cha mẹ, nhớ đàn em của tôi ở quê nhà. Tết này ba má tôi chắc buồn lắm khi vắng mặt đứa con đã ra đi coi như không bao giờ trở lại. Tôi khóc vì tiếc rẽ những gì chúng tôi đã gầy dựng bằng trí óc và mồ hôi qua nghề thanh cao “bán phổi”, thế mà cuối cùng đành phải trắng tay.
Nỗi buồn đó vẫn dằn vặt mỗi khi Tết đến. Mà ngay hiện tại, mỗi lần về Cần Thơ, khi qua đường 3/2, nhìn vào lô đất mà hiện nay người ta xây cất thành 3 căn phố buôn bán sang trọng, lòng tôi se thắt lại, nước mắt rưng rưng.
Biết đến bao giờ tôi mới hết nỗi buồn này? Người ta bảo tôi hãy quên quá khứ. Tôi cũng muốn vậy. Nhưng làm sao tôi quên được mặc dầu thời gian 32 năm đã trôi qua.
 
Reading, Tết Tân Mão 2011.
Nguyễn Thị Kim-Thu

Trở lại Xuân Tân Mão  
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 789187 visitors (2087884 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free